Chân răng sau khi bọc sứ một thời gian lại có những vết đen, kẽ hở khiến nhiều khách hàng vô cùng lo ngại. Vậy hở chân răng sứ có nguy hiểm không, nhận biết qua dấu hiệu nào và khắc phục ra sao? Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn có được câu trả lời.
Dấu hiệu bọc răng sứ phần chân răng bị hở
Bọc răng sứ được xem như biện pháp thẩm mỹ răng hiệu quả, rất được ưa chuộng hiện nay. Mặc dù vậy, hiện tượng chân răng sứ bị hở luôn là nỗi băn khoăn của rất nhiều người khi sử dụng phương pháp này bởi nó sẽ gây ảnh hưởng trực tiếp đến thẩm mỹ và một số nguy hại đến sức khỏe. Để nhận biết chân răng có bị hở hay không không quá khó, bằng mắt thường cũng có thể nhận ra. Cùng lưu ý những dấu hiệu dưới đây để phát hiện kịp thời nhé:
- Dễ nhận thấy nhất đó là khe hở xuất hiện giữa mão sứ răng và cùi răng, phần chân răng cũng không còn bám sát nướu như ban đầu.
- Biểu hiện thứ hai có thể thấy bằng mắt thường là các viền đen xuất hiện quanh chân răng.
- Sau 1 thời gian sử dụng nếu bạn thấy tụt nướu, chân răng bị lộ thì phần chân răng cũng có nguy cơ rất cao đang bị hở.
- Trong một số trường hợp răng sứ ở vị trí khó nhìn thấy, bạn vẫn có thể cảm nhận được như đau nhức, cộm, cấn khi ăn nhai thức ăn.
Gặp một trong số những dấu hiệu trên, bạn nên tìm đến nha khoa để điều trị nhanh chóng, tránh để lâu sẽ khó chữa.

Chân răng sứ bị hở nguy hại như thế nào?
Trì hoãn và tiếc rẻ là 2 tâm lý chính khiến người dùng không khắc phục tình trạng hở chân răng kịp thời. Hãy loại bỏ ngay những tâm lý này bởi rất nhiều hậu quả, nguy hại từ việc hở chân răng sẽ ảnh hưởng lớn đến cuộc sống, sức khỏe của bạn.
– Mất thẩm mỹ, giảm sự tự tin: Với những răng sứ ở vị trí dễ nhìn thấy như răng cửa khi bị hở chân răng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến tính thẩm mỹ của toàn hàm. Những kẽ hở, vết đen viền nướu khi bị lộ răng chắc chắn không thể giúp bạn tự nhiên khi giao tiếp với người đối diện. Điều này dẫn đến giảm sự tự tin, tác động không nhỏ đến công việc cũng như các mối quan hệ hàng ngày của bạn.

– Hôi miệng: Các kẽ hở giữa chân răng và nướu vô hình chung trở thành môi trường lý tưởng cho vi khuẩn phát triển, mảng bám thức ăn đọng lại. Từ đó, việc hơi thở có mùi khó chịu sẽ không thể tránh khỏi.
– Gây ra các biến chứng khác cho răng miệng: Khi vi khuẩn có cơ hội xâm nhập, nướu là phần dễ bị tổn thương nhất, có thể bị sưng tấy, hay thậm chí mưng mủ, gây ra cảm giác đau nhức không hề dễ chịu cho người bọc răng. Trước khi bọc sứ, răng đã được mài với tỉ lệ nhất định, việc mài cùi răng vừa giúp tăng độ bám dính của răng sứ nhưng đồng thời lại làm răng thật yếu đi, không được chắc khỏe như ban đầu. Do vậy, nếu để hở chân răng kéo dài, vi khuẩn phát triển mạnh còn dẫn đến sâu răng, viêm tủy, viêm nha chu,… Để điều trị chắc chắn tốn thêm nhiều thời gian, công sức, tiền bạc.
– Nguy cơ mất răng thật vĩnh viễn: Trong trường hợp xấu, tình trạng sâu răng, viêm tủy hoặc những biến chứng tương tự khác trở nên quá nặng, buộc các bác sĩ phải nhổ bỏ chân răng thật, xử lý tổn thương. Muốn hồi phục lại chức năng nhai, thay thế răng mới bạn cần mất thêm thời gian điều trị và lựa chọn phương án trồng răng phù hợp như cấy ghép implant.

– Ảnh hưởng xấu đến ăn uống và tiêu hóa: Cảm giác cộm, cấn hay những cơn đau nhức sẽ khiến bạn chật vật với việc nhai, cắn thức ăn. Ăn uống hàng ngày bỗng dưng bị hạn chế bởi những phiền toái từ hiện tượng hở chân răng đem lại. Khi răng không hoạt động hết công suất, đồng nghĩa với việc các bộ phận tiêu hóa khác phải làm việc nhiều hơn, về lâu dài ít nhiều sẽ bị ảnh hưởng không tốt.
Nguyên nhân bị hở chân răng khi bọc sứ
Trước khi khắc phục vấn đề, bạn cần đi làm rõ nguyên nhân từ đó mới chọn được phương án điều trị chính xác. Vậy đâu là nguyên nhân dẫn đến hở chân răng sứ?
– Thao tác sai kỹ thuật: Có thể nói tay nghề của bác sĩ có vai trò quyết định lớn nhất đến sự thành bại của ca bọc sứ. Từ việc kiểm tra răng để xác định tỉ lệ men răng cần mài, đến thao tác mài và bọc răng đều cần đến sự tỉ mỉ, chính xác tuyệt đối của bác sĩ nha khoa. Hầu hết các trường hợp hở chân răng là do kỹ thuật mài men răng không đúng tỉ lệ, mài không nhẵn khiến cho răng sứ khi bọc lên bị kênh, vì thế nướu không ôm khít chân răng.
– Chế tác răng sai kích thước: Sản phẩm răng sứ gần như không có sẵn mà được chế tác dựa trên những thông số răng thật của khách hàng. Khâu chế tạo răng cần đảm bảo độ chính xác của máy móc cũng như trình độ của kỹ thuật viên. Nếu không sẽ dễ dẫn đến tình trạng răng sứ to hơn cùi răng dẫn đến lỏng và hở chân răng.
– Chất lượng răng kém: Không những vậy, chất lượng răng cũng ảnh hưởng không nhỏ đến tình trạng này. Những loại răng không đủ chất lượng có độ bám không cao, dễ bị hở trong thời gian sử dụng. Hoặc nếu bạn lựa chọn răng sứ kim loại, về lâu dài cũng khó tránh khỏi những vệt đen ở chân răng.
– Keo dán và các thiết bị hỗ trợ không đảm bảo: Phần keo dán nha khoa giúp mão răng sứ gắn cố định vào chân răng thật. Một khi keo dán không đạt chất lượng sẽ rút ngắn tuổi thọ răng, phần chân răng dễ bị hở do chịu nhiều tác động từ quá trình ăn uống.
– Chăm sóc răng sai cách: Không chỉ răng sứ mà cả răng thường nếu không chăm sóc răng đúng cách cũng sẽ gây nhiều hậu quả nghiêm trọng đến chân răng. Có thể kể đến như thói quen ăn đồ dai, cứng hay chải răng theo chiều ngang,… Việc chăm sóc răng cần được chú trọng để bảo vệ chân răng tốt hơn.
Cách khắc phục hiệu quả khi chân răng sứ bị hở
Tình trạng hở chân răng gây ra nhiều phiền toái và những hệ lụy không mong muốn nếu để kéo dài. Cách khắc phục tốt nhất, hiệu quả nhất đó là tìm đến trung tâm nha khoa kịp thời để kiểm tra, điều chỉnh lại. Trong trường hợp chân răng bị hở quá lớn, tình trạng viêm nhiễm bắt đầu trở nặng thì nhiều khả năng bạn cần điều trị và thay răng mới hoàn toàn.
Bên cạnh đó, để tránh hiện tượng hở chân răng xảy ra bạn nên có ý thức chăm sóc răng đúng cách, tránh những tác động gây hại đến chân răng. Nên sử dụng thức ăn mềm, dễ nuốt, hạn chế lực lên răng. Khi chải răng cũng cần chú ý chải theo chiều dọc hoặc xoáy tròn thay vì chải ngang…
Với bài viết trên, mong rằng sẽ đem lại những thông tin hữu ích cho bạn để tránh cũng như khắc phục tình trạng chân răng sứ bị hở.